Một mô hình vận chuyển nhanh, dựa vào sức mạnh cộng đồng và nguồn đầu tư “khủng” như UberRush lại thất bại, thật khó tin phải không?
Uber vẫn đang là người chiến thắng trong thị trường taxi hành khách, nhưng bản thân họ vẫn có một mặt tối khác mà ít người biết đến: UberRush. UberRush từng là ước mơ biến tập đoàn Uber thành đế chế vận chuyển, nhưng nó đã chết ngay từ trong trứng nước.
Và trong bối cảnh thị trường TMĐT đang ngày một nở rộng, bài học từ UberRush chính là kinh nghiệm quý giá cho bất kì doanh nghiệp muốn tham gia vào ngành vận chuyển.
Sự ra đời của một tham vọng
Năm 2014 đánh dấu một năm huy hoàng của Uber trên toàn thế giới. Giai đoạn này, Uber gần như thống trị, đồng thời nghiền nát ngành công nghiệp taxi truyền thống.
Chính vì vậy, CEO Uber – Travis Kalanick đã chuẩn bị cho một cuộc chơi lớn hơn: “Nếu chúng tôi có thể kiếm xe cho bạn trong 5 phút, chúng tôi có thể giao cho bạn bất kỳ thứ gì cũng chỉ trong 5 phút”.
Và thế là UberRush- ứng dụng vận chuyển hàng hóa được ra đời, cũng với tham vọng như tiền nhiệm Uber là thống trị luôn cả ngành công nghiệp vận chuyển nội thành. Ưu điểm của UberRush chính là tốc độ vận chuyển nhanh, dựa vào mạng lưới vận chuyển rộng khắp tương tự như Uber truyền thống: tài xế chính là người đi đường bình thường.
Để UberRush phát triển, Uber dùng đến 2 công cụ chính: phương thức phát triển mạng lưới giao hàng tương tự như Uber truyền thống và ý tưởng sử dụng mọi phương thức vận chuyển có thể (xe đạp, xe máy, ô tô…) để phát hàng hóa thật nhanh trong vài phút. Khách hàng chỉ cần đặt vận chuyển tương tự đặt xe bình thường trên ứng dụng của họ.
Ngoài nhóm khách hàng có nhu cầu vận chuyển, UberRush còn kết nối với các chuỗi bán lẻ cấp quốc gia, các cửa hàng dành cho Mẹ và Bé.
Thế nhưng, một mô hình vận chuyển nhanh, dựa vào sức mạnh cộng đồng và nguồn đầu tư “khủng” như UberRush lại thất bại, thật khó tin phải không?
Những khó khăn không thể khắc phục nổi
Ý tưởng của UberRush nghe thì rất hay, nhưng áp dụng trong thực tế là một vấn đề khác. Trải nghiệm ban đầu về dịch vụ giao hàng nhanh bằng xe đạp đạt mức hài lòng rất cao, nhưng lâu dài, khách hàng nhận ra một sự thật: nếu chỉ vì lấy 1 cái áo mưa mà mất đến 11 USD thì đó không phải là lựa chọn thông minh.
Chính vì vậy, khách hàng đã từ bỏ UberRush sau một thời gian ngắn – khi những chương trình khuyến mãi đã kết thúc. Đây là vấn đề đầu tiên liên quan tới chi phí, mà một mạng lưới vận chuyển “nghiệp dư” và quá dựa dẫm vào sức mạnh cộng đồng như UberRush gặp phải.
Để giải quyết vấn đề trên, đội ngũ Uber đã cố gắng liên kết cùng Shoptify (hệ thống bán hàng trưc tuyến lớn nhất thế giới), Clover, ChowChow.com, Delivery.com hoặc thương hiệu lớn như Nordstrom, Cole Haan để tạo ra độ nhận diện thương hiệu rộng khắp.
Nhưng tiếp đó, UberRush lại vướng phải 1 vấn đề khác: nếu ở thị trường khách hàng vận chuyển cá nhân, UberRush thất bại vì mức giá khó chấp nhận, thì khi phục vụ cho các cửa hàng, các đối tác kinh doanh, UberRush thất bại vì không thể tìm ra cách kết hợp nguồn nhân lực vận chuyển tự do hiện có và các loại mặt hàng có thể đáp ứng tiêu chí vận chuyển nhanh của họ.
“Nếu bạn muốn vận chuyển đồ vật trong thành phố thông qua phương tiện cá nhân của UberRush, bạn cần nghĩ đến hoa và đồ giặt khô. Những thứ lớn hơn như đồ nội thất, gần như không thể thực hiện được với những đối tác vận chuyển cá nhân, với những chiếc xe gia đình như Toyota Prius” – một cựu nhân viên của UberRush chia sẻ.
Và ngay cả khi khó khăn trên được giải quyết xong, lại nảy sinh một khó khăn khác, đội ngũ Uber từng nghĩ đến việc phát triển những ứng dụng độc lập cho từng nhu cầu khác nhau và khách hàng có thể lựa chọn cho nhu cầu vận chuyển riêng của họ.
Ý tưởng này vẫn viễn vông, do mạng lưới vận chuyển tương tự Uber truyền thống sẽ không thể giải quyết được nhu cầu của phần lớn thị trường. Đó là những vấn đề cốt lõi không thể giải quyết được, khi bản thân mô hình này đã là một sai lầm đầy tính lý thuyết…
Thành công vẫn có, nhưng là thành công không có thật!
Cuối cùng thì đội ngũ Uber cũng tìm được một thành công đầu tiên cho Rush: mảng giao thực phẩm. Khách hàng chính của UberRush là các nhà hàng. Các nhà hàng đã sử dụng UberRush rất nhiều, vì họ có thể dùng Rush để tiết kiệm chi phí, thay cho việc thuê một nhân viên vận chuyển chuyên nghiệp. Hoặc nếu người vận chuyển của họ gặp sự cố, Rush có thể vận chuyển thay thế.
Tuy nhiên, thành công ban đầu này vốn cũng rất mong manh, bởi để đạt được doanh số ban đầu lớn, các nhân viên sale của Uber đã phải “dụ dỗ” tất cả khách hàng của đối thủ, đồng thời đưa ra những lời hứa hẹn đường mật cho những người vận chuyển bán chuyên tham gia vào mạng lưới của họ.
Uber, như phong cách thường thấy, đã tung ra hàng loạt khuyến mãi cực khủng để thu hút mọi người vào mạng lưới của mình.
Dĩ nhiên, càng về sau, UberRush dần dần mất đi khách hàng quen thuộc sau những chương trình khuyến mãi. Vì tới cuối cùng, họ chỉ có thể giải quyết được bài toán về dịch vụ giao thực phẩm. Với các mặt hàng khác, to lớn, cồng kềnh, họ thua xa so với các đội vận chuyển truyền thống cực kỳ chuyên nghiệp.
Thất bại và kết cục cho một tham vọng lớn
Uber truyền thống thành công là vì khách hàng luôn nhìn thấy mức giá dịch vụ rẻ hơn các hãng taxi truyền thống. UberRush thì hoàn toàn ngược lại: Rush luôn đắt hơn kha khá so với mặt bằng chung của các công ty vận chuyển.
Vấn đề giá cả trong một công ty vận chuyển phụ thuộc rất nhiều vào tính mạng lưới và chuyên nghiệp trong việc điều hành các xe chuyên chở. Với một đội ngũ là những người nghiệp dư và làm thời vụ, làm sao UberRush có thể đáp ứng được vấn đề chi phí tốt?
Hơn nữa, họ cũng chỉ giới hạn trong nhóm ngành thực phẩm và ăn uống, khiến dòng tiền phát triển của Rush gần như là không có so với phí vận hành.
Nhiều tài xế đã từ bỏ UberRush vì sau khi khuyến mãi kết thúc, thu nhập hàng tháng của họ ngày càng giảm dần. Khách hàng không ngu ngốc, có rất nhiều cửa hàng tại Mỹ mà họ có thể đi bộ trực tiếp ra cửa hàng cách vài trăm mét để mua sản phẩm cho mình.
Nên nhớ là TMĐT có một bài toán căn bản: làm sao để tiết kiệm chi phí vận chuyển cho khách hàng. Trong trường hợp này, Rush chỉ giúp hàng hóa vận chuyển nhanh và giới hạn trong một số mặt hàng cố định, đội ngũ tài xế là nghiệp dư và chi phí lại đắt hơn các đội vận chuyển chuyên nghiệp. Vậy tại sao phải sử dụng Rush? Trừ phi bạn thật sự “vội vã”.
Về cơ bản, UberRush là một mô hình sai lầm ngay từ khi được vẽ ra trên giấy. Đó là bài học về sự mơ mộng, thiếu kiến thức và phi thực tế khi cố gắng giải quyết bài toán vận chuyển theo cách nghiệp dư hóa nó.
Vận chuyển hành khách nội thành là một câu chuyện ai cũng làm được, còn vận tải hàng hóa? Phức tạp hơn thế rất nhiều, bởi đó là một quá trình phục vụ cho hàng ngàn loại nhu cầu, hàng ngàn loại khách hàng khác nhau, chứ không chỉ là chở người từ điểm này đến điểm khác…
Theo Cafébiz.vn